(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện quận Thủ Đức) Vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Hội Rối loạn đông máu Việt Nam đã phối hợp với bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình đào tạo về hemophilia và rối loạn đông máu cho các cán bộ y tế tại Thanh Hóa. Chương trình đào tạo nằm trong khuôn khổ các hoat động của dự án “Hỗ trợ mở rộng mạng lưới hemophilia và chăm sóc hemophilia cơ bản tại Việt Nam” giai đoạn 2018 – 2020 do Quỹ Haemophilia Novo Nordisk tài trợ. Dự án được triển khai với mục tiêu chính là hỗ trợ thiết lập 10 trung tâm điều trị hemophilia vệ tinh có thể đáp ứng các nhu cầu chẩn đoán và điều trị hemophilia cơ bản tại 10 tỉnh/TP trên cả nước.
TS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW tập huấn kiến thức về điều trị hemophilia và rối loạn đông máu cho các cán bộ y tế tại Thanh Hóa
Trong hai ngày làm việc, các cán bộ nhân viên của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã triển khai các hoạt động đánh giá, hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu Thanh Hóa về chăm sóc hemophilia và rối loạn đông máu. Các nội dung tập huấn bao gồm: chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, tư vấn, quản lý người bệnh hemophilia và các rối loạn đông máu, tổ chức phổ biến cập nhật kiến thức về hemophilia cho trên 100 bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa thuộc các chuyên khoa khác như: Cấp cứu, Cơ Xương Khớp, Phục hồi chức năng, Ngoại khoa, Răng Hàm Mặt, Sản khoa…
Điều dưỡng của Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW hướng dẫn về chăm sóc hemophilia cho các điều dưỡng tại Thanh Hóa
Kỹ thuật viên xét nghiệm đông máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trng ương hướng dẫn thực hành các xét nghiệm định lượng yếu tố VIII tại trung tâm Huyết học và Truyền máu Thanh Hóa
Hiện nay, Trung tâm Huyết học – Truyền máu Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai các hoạt động chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh hemophilia. Trung tâm đã cơ bản đáp ứng được các nhu cầu chẩn đoán và điều trị hemophilia như: Bộ xét nghiệm đông máu cơ bản, định lượng yếu tố VIII, các chế phẩm điều trị hemophilia gồm tủa lạnh, huyết tương và yếu tố VIII cô đặc…
Hình ảnh lưu trữ chế phẩm máu tại trung tâm Huyết học vàTruyền máu Thanh Hóa
Cũng trong chương trình tập huấn, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt tư vấn người bệnh hemophilia và thành lập câu lạc bộ rối loạn đông máu tại Thanh Hóa. Tại buổi làm việc, BSCKII. Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu Thanh Hóa đã có giới thiệu ngắn gọn về cơ sở vật chất, các dịch vụ chẩn đoán, điều trị hemophilia tại Trung tâm và bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn người bệnh hemophilia sẽ luôn ủng hộ và phối hợp với Trung tâm Huyết học – Truyền máu Thanh Hóa để xây dựng một trung tâm hemophilia vệ tinh có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của chăm sóc, điều trị bệnh, hướng tới phát triển một trung tâm chăm sóc hemophilia toàn diện”.
Câu lạc bộ người bệnh hemophilia và rối loạn đông máu tại Thanh Hóa được thành lập sẽ giúp cho việc quản lý, tư vấn, hỗ trợ và chia sẻ thông tin giữa các thành viên hemophilia tại đây được thực hiện thuận lợi hơn
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 120 người bệnh hemophilia đã được chẩn đoán, phần lớn trong số đó phải ra Hà Nội để được điều trị mỗi khi có chảy máu. Khi trung tâm hemophilia vệ tinh tại Thanh Hóa đi vào hoạt động, người hemophilia hoàn toàn có thể điều trị chảy máu ngay trên địa bàn tỉnh.
(theo Hội rối loạn đông máu Việt Nam)