(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện quận Thủ Đức) Cho đến tận những năm giữa của thập niên 1970, bệnh nhân Hemophilia vẫn được khuyên nên tránh tập thể dục vì lo ngại nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, hệ quả của việc ít vận động như thừa cân, béo phì, loãng xương còn tai hại hơn nhiều so với tập thể dục. Ngày nay, hoạt động thể chất được công nhận là hoạt động thiết yếu để có và duy trì một sức khoẻ tốt ở bệnh nhân Hemophilia.
Trong tài liệu Hướng dẫn quản lý bệnh Hemophilia của Liên đoàn Hemophilia thế giới cũng đã nhấn mạnh hoạt động thể chất được khuyến khích áp dụng để cải thiện sức khoẻ thể trạng và hệ thần kinh, đặc biệt gia tăng sức mạnh cơ bắp, sự điều phối hoạt động hệ cơ-xương-khớp, kiểm soát trọng lượng cơ thể, và ngay cả giúp gia tăng lòng tự tôn.
Đối với các bệnh nhân có hệ thống cơ và xương yếu hoặc đang có vấn đề thì các bài tập chịu sức nặng/tập với tạ nhẹ được khuyến khích áp dụng để giúp phát triển và duy trì hệ xương khoẻ mạnh, giảm loãng xương. Lựa chọn hoạt động thể chất hoàn toàn tuỳ thuộc vào sở thích cá nhân, thể trạng, và cơ sở vật chất mà mỗi người đang có. Các môn thể thao không có tính chất đối kháng như bơi lội, đạp xe được khuyến khích. Các môn có tính đối kháng cao như bóng đá, quyền Anh cần phải tuyệt đối tránh.
Theo hướng dẫn từ Liên đoàn cũng nhấn mạnh trước khi tham gia bất kỳ môn thể thao nào, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của chuyên gia cơ-xương-khớp để đánh giá liệu hoạt động thể chất đó có phù hợp với thể trạng và điều kiện sức khoẻ của bệnh nhân hay không, có cần trang bị đồ bảo hộ nào cụ thể hay có cần bổ sung yếu tố trước khi tham gia hay không, hoặc nhận biết khớp nào có thể sẽ chịu rủi ro xuất huyết. Lưu ý, sau khi bị xuất huyết thì các hoạt động thể chất cần được tiến hành một cách từ từ để dần phục hồi lại mức độ vận động như trước khi bị chảy máu giúp tránh tình trạng bị tái chảy máu do vận động khi chưa hoàn toàn bình phục.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các hoạt động thể chất có thể cải thiện hiệu quả của các biện pháp điều trị và ngăn chặn các đợt chảy máu ở BN Hemophilia. Đối với các BN Hemophilia lớn tuổi, hạn chế vận động do tuổi tác còn làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, thừa cân, loãng xương, và các biến chứng liên quan đến hemophilia.
Cũng theo WHO, không vận động là nguyên nhân thứ 4 dẫn đến tử vong cao nhất, chiếm 6% số người chết trên toàn cầu. Ở bệnh nhân Hemophilia, không vận động thậm chí còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Điển hình là bệnh béo phì, khi BN Hemophilia bị, nó gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm khớp mãn tính gia tăng nguy cơ chảy máu khớp, gãy xương. Thêm vào đó, rối loạn cơ và xương gây ra bởi xuất huyết khớp và quá trình lão hóa cũng làm gia tăng nguy cơ chấn thương do té ngã.
Nói chung, điểm quan trọng ở đây là một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ bệnh nhân Hemophilia khỏi các đợt chảy máu. Bên cạnh đó, lợi ích của các hoạt động thể chất không chỉ thuần túy là cải thiện thể chất, nó còn giúp cải thiện vấn đề cảm xúc và tinh thần của người bệnh.
Các Lợi Ích Thể Chất Chính
– Các nhóm cơ được gia tăng sức mạnh và độ dẻo dai, qua đó hỗ trợ các khớp, giúp ngăn ngừa chảy máu khớp và tổn thương khớp.
– Cảm thấy thon gọn và tràn đầy năng lượng giúp giảm mệt mỏi
– Đạt được cân nặng lý tưởng giúp giảm áp lực lên các khớp, đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân lớn tuổi
– Cải thiện sự thăng bằng và điều phối hoạt động của các nhóm cơ và khớp, giúp chúng làm việc với nhau nhịp nhàng và hiệu quả hơn, sau cùng, giúp ngăn ngừa và giảm chảy máu.
Các Lợi Ích Về Mặt Tinh Thần
– Đổ mồ hôi cũng là 1 cách rất hữu ích để giảm căng thẳng và thư giãn đầu óc
– Hoạt động tích cực giúp gia tăng lòng tự tôn, sự tự tin, và hơn hết, nó mang lại niềm vui, nhất là khi bạn được làm những điều bạn thích
– Tập thể dục thường xuyên còn thúc đẩy sự hòa nhập xã hội
Top 10 Hoạt Động Được Khuyến Khích Tham Gia
– Bơi lội
– Bóng bàn
– Đi bộ
– Câu cá
– Khiêu vũ
– Cầu lông
– Chèo thuyền
– Đánh Golf
– Chơi Bowling
– Đạp xe
Top 10 Hoạt Động Nên Tránh
– Chơi quyền Anh
– Bóng bầu dục
– Bóng đá
– Võ karate
– Đấu vật
– Chạy mô tô
– Tập Judo
– Trượt patin
– Trượt ván
– Trượt băng
Hoạt Động Cho Người Lớn Tuổi Mắc Bệnh Hemophilia
Khi chúng ta già đi, nguy cơ tổn thương khớp tăng lên. Do đó, người lớn tuổi có thể bị đau mãn tính và giảm khả năng vận động. Tuy nhiên, duy trì hoạt động hằng ngày vẫn là điều thiết yếu để giúp tăng cường sức mạnh của khớp và cơ bắp, để duy trì trọng lượng cơ thể ở ngưỡng có lợi cho sức khỏe, và để giảm thiểu căng thẳng.
Chuẩn Bị Cho Hoạt Động Thể Chất
Dự phòng (phương pháp điều trị để ngăn chặn chảy máu) được khuyên dùng trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ chấn thương cao. Điều trị thay thế sơ bộ và điều trị dự phòng đôi khi được sử dụng cùng nhau, tùy thuộc vào nguy cơ chảy máu.
Mỗi hoạt động thể chất sẽ đòi hỏi một mức độ yếu tố đông máu khác nhau. Ví dụ, trên 5% là tiêu chuẩn cho mức độ hoạt động hàng ngày bình thường, lớn hơn 15% trước khi chơi các môn thể thao, 20%-40% trước khi tiến hành các liệu pháp vật lý trị liệu.
Bệnh nhân Hemophilia thường được khuyên luôn luôn tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi tham gia các hoạt động thể chất và cũng để kiểm tra hệ thống đông máu có đủ để đáp ứng nhu cầu vận động hay không.
Bài Gốc: Physical Activity and Exercise for Hemophilia
(nguồn cuuden.com)