(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện quận Thủ Đức) Câu trả lời cho các câu hỏi bấy lâu nay “Tại sao định lượng yếu tố 8, 9 giống nhau mà mức độ chảy máu ở mỗi người lại khác nhau?”, “Tại sao thể trung bình lại chảy máu như thể nặng?”, “Tại sao bệnh nhân đó thể nặng mà lại ít chảy máu hơn thể trung bình?” đưa đến hướng điều trị Hemophilia mới
Các thuật ngữ cần hiểu trước khi đọc bài:
- Chất ức chế con đường yếu tố mô (TFPI – Tissue factor pathway inhibitor) chất này ức chế sự hoạt hóa các yếu tố IX và X có liên quan đến yếu tố VIIa sau khi sự hoạt hóa này khởi động. TFPI có tác dụng kháng đông máu, tăng tiêu sợi huyết, và loại trừ những cục máu đông. Bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông) cần chỉ số TFPI này thấp.
- Hoạt lực thrombin nội sinh (Endogenous Thrombin Potential –ETP) là một chỉ dấu đánh giá sự cân bằng giữa yếu tố tăng đông và kháng đông của cơ thể. ETP càng cao, khả năng tạo lập huyết khối càng cao. Bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông) cần chỉ số ETP này cao.
- Thrombin có hàng loạt chức năng khác nhau. Vai trò hàng đầu của nó là chuyển fibrinogen thành fibrin, là chất liệu chính của cục máu đông. Thrombin hoạt hóa các thành phần khác của dòng thác đông máu, kể cả yếu tố V và yếu tố VII, rồi hoạt hóa và phóng thích yếu tố VIII ra khỏi yếu tố von Willebrand (vWF).
Các nhà nghiên cứu của Pháp mới đây (28/01/2019) đã công bố kết quả nghiên cứu rằng chất chống đông máu tự nhiên có tên là Chất ức chế con đường yếu tố mô (TFPI – Tissue factor pathway inhibitor) có vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định mức độ bệnh nặng hay nhẹ của bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông), bên cạnh chỉ số của yếu tố đông máu 8, 9. Đây cũng là câu trả lời cho các câu hỏi bấy lâu nay “tại sao định lượng yếu tố 8, 9 giống nhau mà mức độ chảy máu ở mỗi người lại khác nhau?”, “tại sao thể trung bình lại chảy máu như thể nặng?”, “tại sao bệnh nhân đó thể nặng mà lại ít chảy máu hơn thể trung bình?”.
Phát hiện này củng cố thêm quan điểm rằng TFPI là một yếu tố quan trọng liên quan trực tiếp đến các vấn đề chảy máu do Hemophilia gây ra, và đây cũng có thể mở ra một hướng điều trị mới!
Nghiên cứu “Chất ức chế con đường yếu tố mô (TFPI) là yếu tố quan trọng của sự sản sinh thrombin đối với bệnh nhân hemophilia (Tissue factor pathway inhibitor is the main determinant of thrombin generation in haemophilic patients)” đã được phát hành trên tạp chí Haemophilia.
Các nhà nghiên cứu thường xuyên sử dụng xét nghiệm tạo thrombin (TG) (thrombin generation (TG) test) để đánh giá khả năng đông máu, xác định những người dễ bị chảy máu quá mức và mức độ bệnh Hemophilia (máu khó đông) của họ. Xét nghiệm TG giúp đánh giá sự cân bằng giữa yếu tố tăng đông và kháng đông của cơ thể.
Kết quả của xét nghiệm tạo thrombin (TG) có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ của nhiều yếu tố đông máu và các chất ức chế. Ở những bệnh nhân mắc bệnh Hemophilia A và B, khả năng tạo Thrombin thấp được hiểu là có liên quan trực tiếp đến mức độ thiếu hụt các yếu tố đông máu VIII và IX.
Bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông) mặc dù bị thiếu hụt yếu tố đông máu giống nhau cả về định lượng và yếu tố bị thiếu hụt, tuy nhiên, vẫn có thể có biểu hiện và lịch sử chảy máu khác nhau.
Một nhóm do các nhà nghiên cứu từ Đại học Lyon dẫn đầu đã thiết lập một nghiên cứu để khám phá các yếu tố đông máu nào có thể góp phần vào sự khác biệt về sự chảy máu giữa các bệnh nhân và so sánh các yếu tố này với những người khỏe mạnh.
Nghiên cứu của họ được tiến hành trên 40 bệnh nhân Hemophilia A và 32 bệnh nhân Hemophilia B, cùng 40 tình nguyện viên khỏe mạnh.
Cả ba nhóm cho thấy sự tham gia của 12 yếu tố đông máu chính và các chất ức chế là khá giống nhau. Tỷ lệ biến thiên trong các yếu tố này cũng tương đương giữa những người tham gia khỏe mạnh (sự khác biệt 16%) và bệnh nhân (sự khác biệt 18%) không phân biết loại bệnh Hemophilia A hay B.
Antithrombin là chất kháng đông có sự khác biệt thấp nhất (10%) giữa các cá thể bệnh và khỏe mạnh, trong khi mức TFPI có sự khác biệt cao nhất (38%). Bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông) cũng có nồng độ fibrinogen cao hơn đáng kể so với những người tham gia khỏe mạnh.
Sử dụng xét nghiệm tạo Thrombin, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh có Hoạt lực thrombin nội sinh (Endogenous Thrombin Potential -ETP) và đỉnh Thrombin cao hơn đáng kể so với những người mắc bệnh Hemophilia A và B. Không thấy sự khác biệt nào giữa 2 thông số này giữa 2 nhóm bệnh nhân Hemophilia A hoặc B, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Phân tích sâu hơn còn chỉ ra rằng định lượng của yếu tố VIII và yếu tố IX càng cao sẽ làm mức độ của ETP cao hơn trong các mẫu bệnh hemophilia A và B, điều này nằm trong dự tính của các nhà nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ của TFPI tự do là yếu tố tác động cực mạnh khiến ETP và đỉnh Thrombin giảm đáng kể ở những bệnh nhân Hemophilia. Điều này có nghĩa là TFPI là nguyên nhân khiến việc tạo ra thrombin thấp ở những bệnh nhân Hemophilia và nó cũng ức chế (ngăn chặn) việc sản xuất các yếu tố đông máu.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng “các yếu tố tạo Thrombin ở bệnh nhân hemophilia A và B tương đối khác so với những người khỏe mạnh”, và TFPI là yếu tố chính quyết định kết quả của việc tạo ra thrombrin ở bệnh nhân Hemophilia (máu khó đông).
Các nhà nghiên cứu đã viết rằng “Việc phát hiện ra TFPI đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Thrombrin của bệnh nhân Hemophilia hơn so với các đối tượng khỏe mạnh là sự phát hiện rất giá trị. Việc kiểm soát mức độ của TFPI có thể được coi là hướng đi mới và tốt nhất trong việc điều trị bệnh Hemophilia bất kể loại nào và bất kể mức độ nghiêm trọng của thiếu hụt yếu tố 8 hay 9.”
Các nhà nghiên cứu đã kết luật rằng “phát hiện này của chúng tôi đã giúp chứng thực mối quan tâm đến TFPI hiện nay là hướng đi đúng đắn và rất phù hợp” trong việc điều trị cho những người mắc bệnh Hemophilia (máu khó đông).
Alice Melão
(nguồn Hemophilia News Today)
Được lược dịch bởi Hảo Bùi từ CLB HEMOPHILIA PHÍA NAM.
Bài gốc: https://hemophilianewstoday.com/2019/11/04/anticoagulant-tfpi-key-setting-hemophilia-bleeding-severity-profiles-study/