(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện Thành Phố Thủ Đức) Người bệnh hemophilia không có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và làm cho bệnh nặng hơn vì vậy không phải là nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Như vậy, người bệnh hemophilia sẽ hưởng chế độ ưu tiên như nhưng người bình thường dựa trên tuổi, tình trạng sức khoẻ, mắc các bệnh khác…
Theo TS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW, người bệnh hemophilia và rối loạn chảy máu (bao gồm cả người bệnh giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, von Willebrand…) nên lưu ý những vấn đề sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
LƯU Ý KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19
Vắc xin nên được tiêm bắp và nên sử dụng kim cỡ nhỏ nhất hiện có (cỡ 25‐27), nếu có thể. Một số vắc xin phải được tiêm bằng cách sử dụng kết hợp ống tiêm, kim tiêm đi kèm. Do đó, việc sử dụng một kim tiêm thay thế có thể không khả thi.
Người bệnh nên tạo áp lực lên vết tiêm ít nhất 10 phút sau khi tiêm để giảm chảy máu và sưng tấy. Ngoài ra, nên tự kiểm tra/sờ nắn vùng tiêm trong vài phút và 2‐4 giờ sau đó để đảm bảo rằng không có tụ máu chậm. Cảm giác khó chịu ở cánh tay trong 1‐2 ngày sau khi tiêm là không đáng ngại trừ khi nó xấu đi và kèm theo sưng tấy.
Người bệnh có tiền sử dị ứng với các yếu tố đông máu cô đặc có thời gian bán hủy kéo dài có chứa polyethylene glycol (PEG) nên thảo luận về việc lựa chọn vắc xin với bác sĩ vì một số vắc xin có chứa PEG làm tá dược.
Người bệnh có các phản ứng dị ứng hoặc phản vệ với các sản phẩm máu bao gồm yếu tố cô đặc, huyết tương và tủa lạnh, nhưng chưa có phản ứng với các loại vắc xin trước đó, không có nguy cơ cao hơn toàn bộ dân số đối với phản ứng với vắc xin COVID-19.
Tất cả người bệnh rối loạn chảy máu hiếm gặp (bao gồm cả những người bị giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu) nên được tiêm chủng. Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn, trung tâm điều trị sẽ quyết định có cần hỗ trợ cầm máu hay không.
THEO DÕI PHẢN ỨNG SAU KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19
Người bệnh cần báo cho trung tâm điều trị bệnh máu khó đông bất kỳ tác dụng phụ nào (ví dụ như: tụ máu, phản ứng dị ứng). Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu bệnh viện gần nhất ngay lập tức nếu bị phản ứng dị ứng (sốt, nóng, mẩn đỏ, phát ban ngứa trên da, khó thở hoặc sưng mặt hoặc lưỡi ) vì những triệu chứng đó có thể đe dọa tính mạng.
LƯU Ý VỚI TỪNG THỂ BỆNH
Đối với người bệnh máu khó đông nặng/trung bình hoặc bệnh von Willebrand loại 3 (VWD), bất kể có được điều trị dự phòng thường xuyên hay điều trị theo yêu cầu, nên tiêm vắc xin sau khi tiêm yếu tố VIII/IX, hoặc sau khi tiêm chế phẩm chứa yếu tố von Willebrand.
Các loại vắc xin không được chứng minh là có khả năng hình thành chất ức chế yếu tố VIII hoặc IX ở người bệnh máu khó đông. Đặc biệt, vắc xin chống lại vi rút có bộ gen RNA (cúm, quai bị, sởi, rubella), như SARS‐ CoV V 2, không tăng cường hình thành chất ức chế ở mô hình động vật.
Người bệnh máu khó đông mức độ nhẹ có nồng độ yếu tố VIII hoặc IX ban đầu dưới 10% cũng có thể cần điều trị dự phòng chảy máu trước khi tiêm phòng và nên tham khảo ý kiến của trung tâm hemophilia. Đối với những người bệnh có mức yếu tố VIII hoặc IX cơ bản trên 10%, không cần có biện pháp phòng ngừa chảy máu.
Người bệnh đang sử dụng emicizumab (có hoặc không có chất ức chế) có thể được chủng ngừa bằng cách tiêm bắp bất cứ lúc nào mà không cần thêm biện pháp dự phòng chảy máu. Tùy thuộc vào mức độ hoạt động vWF ban đầu, người bệnh vWD loại 1 hoặc 2 nên sử dụng các liệu pháp (DDAVP, axit tranexamic) với sự tư vấn của trung tâm hemophilia.
VẤN ĐỀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định cụ thể đối với việc tiêm chủng liên quan đến các biến chứng của bệnh hemophilia và các rối loạn chảy máu khác hoặc các liệu pháp điều trị bệnh. Dung nạp miễn dịch, điều trị viêm gan C, HIV và các bệnh lý khác không chống chỉ định tiêm chủng.
Không chống chỉ định tiêm vắc xin cho bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (cortisone, các thuốc ức chế miễn dịch khác), nhưng phản ứng miễn dịch và khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng của họ có thể bị giảm.
Các trung tâm điều trị cần phối hợp với hội bệnh nhân đưa ra các khuyến cáo về vắc xin và hỗ trợ trong việc tiêm chủng.
TS. Nguyễn Thị Mai
Giám đốc Trung tâm Hemophilia
(nguồn VIỆN HUYẾT HỌC – TRUYỀN MÁU TRUNG ƯƠNG)
Bộ Y tế khuyến cáo 9 đối tượng cần hoãn tiêm vaccine COVID-19
(VTC News) Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế ban hành ngày 18/3, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.
9 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm:
– Người đang mắc bệnh cấp tính.
– Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
– Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.
– Người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
– Người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.
– Người tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.
– Người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
– Người trên 65 tuổi.
– Người bị giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng gồm đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện như người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp: huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).
Bộ Y tế cũng nêu đối tượng chống chỉ định khi tiêm vaccine COVID-19 là người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine .
Theo đó, nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Các phương tiện khám sàng lọc gồm: Nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp, máy đo SpO2 (nếu có), bảng kiểm khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đối tượng tiêm chủng được thăm khám nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.
Thực hiện việc ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên trang điện tử http//hssk.kcb.vn theo quy định hiện hành.
Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và Phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại điểm tiêm chủng. Thời gian lưu là 15 ngày. Các nội dung khác cần tuân thủ theo hướng dẫn tiêm chủng của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, quá trình triển khai tiêm vaccine COVID-19 cần chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng. Ngược lại, có thể trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.
Ngoài ra, cần chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có các yếu tố thận trọng và không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.
(nguồn VTC News)