(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện quận Thủ Đức) Nếu không thuộc diện tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên thì riêng khoản đồng chi trả (20%) của thầy Danh Văn – một bệnh nhân máu khó đông (Hemophilia) cũng đã lên đến 1,5 tỷ đồng.
Tấm thẻ nhỏ, giá trị lớn
Mới đây, trường hợp quỹ BHYT chi trả viện phí cho bệnh nhân Danh Văn (giáo viên tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM) hơn 11 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý của cả truyền thông lẫn cộng đồng. Bên cạnh số tiền lớn mà quỹ BHYT chi trả theo quy định, trường hợp của thầy Văn còn khiến cộng đồng quan tâm đặc biệt bởi 20% viện phí đồng chi trả lên đến 1,5 tỷ đồng. Do thầy Văn đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục nên số tiền 1,5 tỷ đồng ấy đã được quỹ BHYT chi trả luôn‐ mà nếu không có nó thì gia đình thầy Văn có nguy cơ rơi vào kiệt quệ.
Trước đó, hồi cuối năm 2019, thầy Văn không may bị té ngã. Với bệnh lý nền rối loạn đông máu (Hemophilia), quá trình điều trị chấn thương chân không hề đơn giản. Hết chạy chữa ở BV tỉnh cho đến chuyển tuyến lên BV Chợ Rẫy, nhờ tham gia BHYT liên tục 5 năm, mà bài toán “đồng chi trả” của thầy Văn đã có lời giải. Đáng nói, quá trình điều trị cho thầy Văn vẫn chưa kết thúc. Theo ông Danh Định (bố thầy Văn), chỉ trong tháng 5/2020 vừa qua, viện phí tái khám, điều trị đã vào khoảng 2 tỷ đồng. Nếu phải đồng chi trả, gia đình thầy Văn sẽ cần móc hầu bao bao trên dưới 400 triệu đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thầy Văn không phải lo lắng gì, vì khoản tiền này cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán toàn bộ.
Cũng theo ông Danh Định, vào đầu tháng 6/2020, thầy Văn tái nhập BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Như vậy, số tiền quỹ BHYT đã chi trả để chữa trị cho thầy đã hơn 11 tỷ đồng. Quyền lợi “đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục” của thầy Văn sẽ được tiếp tục duy trì cho đến hết năm 2020.
Biết bao trân quý
Trên mạng xã hội mấy ngày qua, không ít người đã link thông tin về bệnh nhân “11 tỷ” đăng trên Báo BHXH kèm bình luận: “… Không tham gia BHYT là đuối luôn”; “Đừng thấy bệnh vặt mà coi thường. Đùng cái bệnh nặng mà không thẻ BHYT, không đủ 5 năm là tiêu táng đường”… Trên trang cá nhân, ông Lê Minh Hiển‐ Trưởng phòng Công tác xã hội (BV Chợ Rẫy) chia sẻ rằng: “Nhận công việc giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã hơn 10 năm. Tôi nhận thấy BHYT đã thay đổi rất nhiều, theo hướng có lợi nhất cho người bệnh”.
Dẫn thêm trường hợp thầy Văn, ông Hiển viết: “Khi cô bác tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng), tương đương 8.940.000 đồng, mang hết những chứng từ đến BHXH địa phương đề nghị cấp chứng nhận “Không cùng chi trả trong năm”. Khi có chứng nhận trên thì người bệnh được hưởng 100% chi phí trong danh mục BHYT. Nhận biết sự thay đổi có lợi cho người bệnh, trong 3 năm qua, chúng tôi đã tư vấn, giải thích để cô bác hiểu tham gia BHYT hộ gia đình…”.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo BHXH, ông Hiển cho biết, BV Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các ca nặng với hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Vì vậy, Phòng Công tác xã hội liên tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức. “May mắn là đa số bệnh nhân đều tham gia BHYT nên chúng tôi chỉ vận động thêm 20% đồng chi trả. Nếu bệnh nhân chưa tham gia BHYT thì công tác vận động sẽ vô cùng nhọc nhằn, khó khăn bởi 100% viện phí với ca nặng ở BV Chợ Rẫy luôn là số tiền rất lớn…”‐ ông Hiển trải lòng.
Có thể nói, câu chuyện của thầy Văn chính là hồi chuông cảnh báo đối với những người còn lơ là với BHYT hoặc chủ quan với sức khỏe của mình. Theo các chuyên gia y tế, rủi ro trong cuộc sống liên quan đến bệnh lý hoặc tai nạn không chừa một ai. Do đó, chuẩn bị ứng phó với các rủi ro ấy càng đầy đủ càng tốt và việc tham gia BHYT sẽ không bao giờ thừa. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia BHYT nên lưu ý việc đóng phí kịp thời để được thụ hưởng quyền lợi “5 năm liên tục”. Nếu để thẻ BHYT hết hạn quá 3 tháng sẽ trở thành người tham gia mới, không được tính khoảng thời gian đã tham gia BHYT trước đó. Nếu rơi vào trường hợp thầy Văn với 20% đồng chi trả trị giá 1,5 tỷ đồng, sẽ thấy quý biết bao tấm thẻ BHYT và quá trình tham gia chỉn chu, liên tục.
Đỗ Bá
(nguồn Trang thông tin điện tử Báo Bảo hiểm Xã hội)