(Câu lạc bộ máu khó đông bệnh viện quận Thủ Đức) Trong 3 năm vừa qua (2016 – 2019), Chương trình “Liên minh toàn cầu vì sự phát triển” (Global Alliance for Progress – GAP) do Liên đoàn Hemophilia Thế giới tài trợ cho Việt Nam đã mang lại hiệu quả tích cực trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc hemophilia.
Được triển khai tại Việt Nam từ tháng 9/2016, chương trình đã giúp phát hiện gần 900 bệnh nhân mới trên toàn quốc, trong đó có 696 bệnh nhân hemophilia, 50 bệnh nhân von Willerbrand và 145 bệnh nhân rối loạn đông máu khác.
“Đây là những con số hết sức ấn tượng, Việt Nam trở thành nước phát hiện bệnh nhân mới nhiều nhất – 891 bệnh nhân mới được chẩn đoán, phát hiện chỉ trong 3 năm, không phải quốc gia nào cũng đạt được kết quả như vậy”, ông Alain Baumann – Giám đốc điều hành Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã bày tỏ sự khâm phục với những kết quả này của Việt Nam.
Ông Alain Baumann – Giám đốc điều hành Liên đoàn Hemophilia Thế giới tham dự Lễ tổng kết chương trình GAP tại Việt Nam
Thống kê của Liên đoàn năm 2017 cho thấy ở nhiều quốc gia trong trong khu vực, tỷ lệ người có hemophilia được chẩn đoán còn khá thấp như: Thái Lan (35%), Philippines (21%), Campuchia (15%), Indonesia (12%), Myanmar (1%) – mới chỉ phát hiện được 39 bệnh nhân…
Chương trình GAP trong 3 năm qua cũng đã cải thiện dịch vụ chăm sóc hemophilia trên toàn quốc thông qua việc thiết lập được mô hình chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại 7 trung tâm điều trị hemophilia hiện có và phát triển 10 trung tâm điều trị vệ tinh; nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tại các trung tâm điều trị hemophilia trên toàn quốc. Riêng Trung tâm Hemophilia của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được đội ngũ làm việc bao gồm nhiều chuyên khoa và đều được đào tạo về hemophilia như: huyết học, ngoại khoa, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, răng hàm mặt…; thường xuyên triển khai các dịch vụ tư vấn, chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
PGS. Huyền Trần – Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Bệnh viện Alfred Melbourne (Úc) đào tạo định kỳ hằng năm cho nhân viên y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế
TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết thêm: “Chương trình GAP đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho 850 lượt cán bộ, nhân viên tại các trung tâm điều trị hemophilia trên toàn quốc; phát triển các tổ chức Hội dành cho người bệnh thông qua các chương trình đào tạo và triển khai hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý, theo dõi bệnh nhân. Nhờ chương trình GAP, Việt Nam đã tiếp nhận gần 7 triệu đơn vị yếu tố đông máu miễn phí từ Liên đoàn Hemophilia Thế giới, với tổng giá trị tương đương trên 100 tỷ đồng”.
TS. Bạch Quốc Khánh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Liên đoàn dành cho Việt Nam
Tính từ năm 2011 đến nay, Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã viện trợ miễn phí cho Việt Nam lượng yếu tố cô đặc tương đương trên 200 tỷ đồng. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận số lượng yếu tố viện trợ cô đặc trên và phân phối tới các trung tâm điều trị hemophilia trên toàn quốc nhằm đảm bảo các bệnh nhân hemophilia và rối loạn chảy máu trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng lượng chế phẩm viện trợ này. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được hỗ trợ điều trị chảy máu kịp thời và đầy đủ hơn, đặc biệt là các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhân cần phẫu thuật, điều trị dự phòng chảy máu…
Tham dự lễ tổng kết chương trình GAP tại Việt Nam, ông Alain Baumann – Giám đốc điều hành Liên đoàn Hemophilia đánh giá rất cao sự mến khách và những thành tựu của Việt Nam. “Tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị – những người đã đạt những thành tích rực rỡ trong những năm vừa qua, đặc biệt là những kết quả kỳ diệu của 3 năm triển khai chương trình GAP. Tôi trân trọng cảm ơn GS.TS. Nguyễn Anh Trí, TS. Bạch Quốc Khánh, TS. Nguyễn Thị Mai và những đồng nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, BCH Hội, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Sự tham gia tích cực của nhóm làm việc từ Bệnh viện Alfred Melbourne (Úc), Hội Hemophilia Ireland cũng đóng góp quan trọng cho thành công này. Nếu thiếu sự tham gia của các bạn, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay”.
Trong 15 năm (2003 – 2018), đã có 31 quốc gia được lựa chọn tham gia vào chương trình GAP; thiết lập 37 chương trình triển khai và 25 chương trình chăm sóc hemophilia quốc gia. Cũng thông qua chương trình GAP, 40.552 bệnh nhân mới được chẩn đoán; đã tổ chức đào tạo cho 17.853 lượt bệnh nhân, người nhà và thành viên của các Hội Hemophilia quốc gia và 26.777 nhân viên y tế; cung cấp 6.185 tỉ đơn vị yếu tố cô đặc miễn phí.
Tin: Thanh Hằng, Ảnh: Công Thắng
(theo Hội Rối loạn đông máu Việt Nam)