Dân trí Bị rối loạn đông máu đã nhiều năm nay khiến thầy Hải liên tục phải đi viện cấp cứu. Đôi chân 1 bên dài, bên ngắn và có nguy cơ sẽ liệt vĩnh viễn nếu như không được phẫu thuật nhưng số tiền 40 triệu đồng đóng cho ca mổ thầy hoàn toàn không thể xoay được cho dù đã đi hỏi vay khắp nơi.
Tình cảnh của thầy giáo Hoàng Văn Hải (hiện đang giảng dạy tại trường THCS Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) khiến chúng tôi thật sự lo lắng và ái ngại. Công tác đã 19 năm nay và đạt nhiều thành tích như giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn Vật Lý, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua xuất sắc cấp cơ sở và tham gia làm đề tài, sáng kiến kinh nghiệm đạt loại cao của huyện…
Nhưng cũng là bằng đó thời gian thầy phải chiến đấu với căn bệnh rối loạn đông máu, thường xuyên phải đi viện bởi những cơn đau đến thấu tận tim, gan. Tình cảnh càng cấp bách hơn khi hai bên chân của thầy đi khập khiễng phải chống nạng bởi xương đang bị ăn mòn nhanh chóng.
Là người điều trị trực tiếp cho thầy Hải tại Viện huyết học truyền máu TW, Ths.BS Nguyễn Thị Mai – Giám đốc trung tâm Hemophylia không giấu được sự lo lắng khi nhắc đến tình trạng của thầy: “Em Hải phát hiện căn bệnh rối loạn đông máu từ khi còn là sinh viên học Sư phạm ở Thái Nguyên, sau đó được chuyển cấp cứu về bệnh viện Bạch Mai rồi chuyển sang Viện huyết học truyền máu TW điều trị. Thời gian biết bệnh thì khá lâu rồi nhưng thực tế số lần đi viện điều trị không nhiều và lần nào Hải đến với chúng tôi cũng trong tình trạng rất nặng. Nhiều khi tôi cũng sốt ruột vì đã hẹn bệnh nhân nhưng không thấy đến viện, hỏi ra thì mới biết vì gia đình nghèo quá không thể có tiền đi được nên cứ ở nhà chịu đau đớn như vậy.
Lần này Hải có chỉ định phải sang phẫu thuật chân ở bên bệnh viện Bạch Mai nhưng hai vợ chồng đang lao đao, xoay sở mãi mà không có nổi 40 triệu đồng cho ca mổ nên về phía khoa và bệnh viện tha thiết mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ cho Hải”.
Bản thân là người biết rõ căn bệnh của mình ra sao nên trong phòng bệnh, anh buồn lắm và gần như chẳng nói câu gì. Nhớ lại quãng thời gian 21 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, anh ngậm ngùi: “Ngày đó anh đang là sinh viên thì thấy bụng mình sưng to lên rồi cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Anh tưởng mình đã chết ở thời điểm đó nhưng ông trời còn thương cho sống đến giờ nhưng bệnh rối loạn đông máu phải đi viện thường xuyên, theo định kì.
Anh ra trường, đi làm đã 19 năm rồi, giờ lương của anh được 5,5 triệu đồng/ tháng thì trả tiền ngân hàng hết 4,5 triệu đồng/ tháng (Số tiền vay ngân hàng từ trước đến giờ đi chữa bệnh) còn dư 1 triệu đồng/ tháng. Bản thân anh cũng như bao nhiêu người bệnh khác, muốn được đi chữa trị lắm chứ nhưng số tiền đó anh phải để nuôi các con, nên đau lắm cũng chẳng dám lên viện đâu. Vợ anh không có nghề nghiệp gì, cô ấy thi thoảng chạy chợ và đi phu hồ vất vả lắm mà cũng có kiếm được bao nhiêu đâu vì vậy mà anh không muốn làm khổ mẹ con cô ấy”.
Nghe tâm sự của anh, chúng tôi ai nấy cũng nghẹn lại, chẳng biết nói gì. 19 năm đi dạy, đã không ít lần vì đau quá mà anh gục ngay trên bục giảng nhưng vì lòng yêu nghề, vì cả trách nhiệm của 1 người thầy… Anh vẫn hoàn thành suất xắc nhiệm vụ được giao. Nhắc đến anh, cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan – Hiệu trưởng trường THCS Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội không khỏi xúc động: “Thầy Hải là 1 người vô cùng trách nhiệm và tận tụy với công việc. Những lần lên viện điều trị, thầy không quên mang theo máy tính để làm việc và luôn luôn làm rất tốt chuyên môn của mình. Là 1 thầy giáo dạy giỏi môn Toán và Vật lý, hiện thầy đang phụ trách các lớp 7,8,9 của trường.
Về căn bệnh của thầy thì ở trường chúng tôi cũng nắm bắt được và tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng phải nói thật là về mặt kinh tế không hỗ trợ được nhiều. Lần này chân thầy đau quá phải đi mổ nhưng gia đình khó khăn, không lo được tiền vì vậy mà chúng tôi cũng rất lo lắng”.
Không còn cách nào để cứu đôi chân của mình, thầy Hải buộc phải phẫu thuật thì mới có thể đi lại được nhưng vì không vay được tiền nên anh bảo: “Nếu phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, anh chỉ mong ngành và nhà trường tạo điều kiện cho anh tiếp tục được đi dạy thôi em ạ. Vì với anh hai chữ “người thầy” nó thiêng liêng và cao quý lắm, công việc chính là động lực, là nguồn sống của cả gia đình anh nữa”.
Nói đến đây thì anh khóc, không giàn giụa, nức nở và òa lên nhưng tôi cảm nhận rõ nỗi đau đang len lỏi vào từng đường gân, thớ thịt. Và trong cái ánh mắt xa xăm nhìn ra cửa sổ bệnh viện, có lẽ là anh đang nhớ trường, nhớ lớp và nhớ những khóa học sinh thân yêu mà mình đã giảng dạy… Các em giờ đã lớn và trưởng thành hết rồi, chỉ có thầy là mãi mãi “dậm chân” với căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền đi chữa.
(nguồn báo Dân Trí)